Hạnh phúc nhất thời chính là sự hưởng thụ các sự sung sướng, phấn khích, tự hào, hãnh diện… tức các cảm xúc tích cực. Cho nên, nó luôn luôn đem lại tác hại cho chúng ta.
Ngày đăng: 16-01-2020
1,718 lượt xem
Như trong bài viết “Như thế nào là hạnh phúc? - Phần 1: Hạnh phúc nhất thời” chúng ta đã thấy dù chúng ta đạt được điều gì, có được cái gì, nhận được thứ gì, thì hạnh phúc nhất thời mà chúng ta theo đuổi và nhận được chính là sự hưởng thụ các cảm xúc tích cực như sung sướng, phấn khích, vui mừng, tự hào, hãnh diện, an tâm….. gắn liền với những cái mà chúng ta đạt được đó. Mà cảm xúc tích cực thì luôn tạo ra các cảm xúc tiêu cực, sợ hãi, bất an, tuyệt vọng, lo lắng…, tức các đau khổ của chúng ta với độ lớn tương đương với độ lớn của hạnh phúc đã tạo ra nó, cho nên, hạnh phúc nhất thời càng lớn khi đạt được cái gì, thì đau khổ càng cao trong quá trình giữ gìn cái đó, và khi bị mất đi chính cái đó. Bên cạnh đó, khi hưởng thụ hạnh phúc, dù cũng là bao nhiêu đó thời gian, nhưng chúng ta lại thấy nó rất là ngắn, như chỉ trong thoáng chốc. Trong khi khi phải chịu đựng sự đau khổ, dù cũng bằng khoảng đó thời gian, nhưng chúng ta lại cảm thấy nó rất dài như vô tận, nên sự đau khổ luôn luôn nặng nề hơn hạnh phúc rất nhiều lần.
Càng sung sướng nhiều......
Một trong những tác hại của hạnh phúc nhất thời, tức các cảm xúc tích cực, chính là khiến cho chúng ta rất khó tập trung vì nó liên tục kích thích và thúc ép tâm trí chúng ta phải bay đi đây đó khắp nơi để thỏa mãn sự hạnh phúc này. Những lúc chúng ta tập trung tâm trí ở bản thân mình và nhận biết thực tế mình đang như thế nào, hoặc những khi chúng ta tập trung vào 1 sự việc, sự vật cụ thể nào đó và theo dõi được diễn biến thực tế đang xảy ra của sự việc đó thì các cảm xúc tích cực bị biến mất ngay. Vì vậy chúng ta chỉ có thể ở trong 1 trong 2 trạng thái: hoặc đang hưởng thụ hạnh phúc nhất thời, hoặc đang tập trung để quan sát, học hỏi và rút kinh nghiệm.
Nếu chúng ta đã chọn hưởng hạnh phúc nhất thời, hoặc bản thân chúng ta không thể tự kiểm soát mà đã bị các hạnh phúc nhất thời chi phối và điều khiển thì không thể tập trung tốt được. Mà không thể tập trung được tốt thì khả năng quan sát các diễn biến thực tế của các sự việc của chúng ta trở nên yếu đi, khiến chúng ta chỉ có thể quan sát được 1 phần rất nhỏ của sự thật sự việc, còn phần rất lớn còn lại trong toàn bộ bức tranh diễn tiến của sự việc sẽ được tâm trí bay bổng của chúng ta tưởng tượng, sáng tạo ra. Những sáng tạo, tưởng tượng này là ảo tưởng, không đúng với sự thật thực tế, nên lượng kiến thức và kinh nghiệm đúng đắn mà chúng ta học hỏi và tích lũy được tối đa chỉ có thể rất nhỏ, tương đương với mức độ sự thật của các sự việc mà chúng ta đã quan sát được.
Không chỉ là chúng ta chỉ học hỏi và rút kinh nghiệm được rất ít, mà chúng ta còn không nhận ra được là chúng ta chỉ học hỏi được rất ít. Vì sao vậy? Bởi vì tâm trí chúng ta không tự nhận biết được cái nào là sự thật, cái nào là ảo tưởng, nên ở các khoảng thời gian sau đó, khi vận dụng các kiến thức và kinh nghiệm này vào thực tế với mục đích đạt các lợi ích mà chúng ta mong muốn, thì chúng ta luôn luôn tính toán sai lầm và hành động thất bại gây tổn hại rất lớn, hoặc chỉ đạt được lợi ích rất nhỏ bé cho bản thân chúng ta. Đó là vì chúng ta tính toán các tình huống sự việc dựa trên đa số là các dữ liệu sai được hấp thụ từ sự sáng tạo của ảo tưởng.
Nếu không kịp nhận biết được tác hại của các hạnh phúc nhất thời để kiểm soát nó, mà để nó kiểm soát lại bản thân chúng ta thì chúng ta sẽ từ từ bị trôi dạt về phía dưới đáy xã hội, sẽ liên tục phải sống trong sợ hãi, lo lắng, bất an, liên tục phải chạy trốn đau khổ, và sống giả tạo để che dấu thực tế tồi tệ của mình trước những người khác.
Nếu muốn thực hiện được các dự án to lớn mang tính chiến lược để đạt được các lợi ích to lớn thì chúng ta phải có sự tập trung cao để duy trì sự bình tĩnh, tỉnh táo liên tục trong thời gian dài từ đầu cho tới khi kết thúc dự án. Chúng ta phải liên tục quan sát chính xác thực tế của các sự việc đang diễn ra như thế nào để đánh giá, rồi tập hợp với các dữ liệu khác nữa, các sự việc cũng đang diễn ra song song trong thời điểm hiện tại này mà đang xảy ra ở những nơi khác tác động tới các đồng đội, đối tác, đối thủ, khách hàng, tài sản, cơ hội… của chúng ta. Sau khi quan sát và đánh giá thì chúng ta lại phải tiếp tục tính toán, ước lượng xu hướng các sự việc có thể xảy ra, xu hướng phát triển và các tác động mà các sự việc này có thể sẽ gây ra ra trong tương lai, rồi lại ra quyết định và hành động theo những quyết định tiếp theo đó. Trong quá trình hành động tiếp theo, chúng ta lại vẫn phải tiếp tục quan sát, đánh giá rồi quyết định và hành động tiếp nữa, liên tục liên tục thực hiện quy trình này 1 cách không ngừng nghỉ cho tới khi kết thúc dự án, đạt được lợi ích to lớn mong muốn. Do phải liên tục quan sát chính xác thực tế, đánh giá, rồi tính toán và hành động, nên nếu khả năng tập trung của chúng ta không đủ tốt thì không thể làm được.
Bên cạnh đó, ngay cả khi đã tới điểm kết thúc của dự án và đã đạt được lợi ích mong muốn thì chúng ta cũng không thể dừng sự tập trung để thả tâm trí bay bổng hưởng hạnh phúc nhất thời sung sướng, vui mừng, tự hào, ăn mừng được. Vì sao vậy? Vì cuộc sống thực tế vẫn chưa kết thúc, mà vẫn còn tiếp tục tiếp diễn cho tới ít nhất là hết cuộc sống hiện tại của chúng ta. Nên khi đã đạt được lợi ích to lớn này ngày hôm nay rồi, thì chúng ta cũng vẫn tiếp tục phải tính toán, quan sát thực tế, đánh giá, rồi quyết định và tiếp tục hành động để bảo trì, bảo dưỡng, bảo vệ và sử dụng các lợi ích đạt được này 1 cách tốt nhất để đem lại giá trị lớn nhất cho bản thân chúng ta, chứ không để nó bị hao mòn, hư hỏng, hư hại hoặc bị tiêu xài hoang phí 1 cách vô tội vạ khiến nó có thể bị hao hụt nghiêm trọng hoặc có thể tan biến đi sau 1 thời gian ngắn.
Sự tập trung và hạnh phúc nhất thời không thể song hành cùng nhau, nên nếu thường xuyên hưởng thụ hạnh phúc nhất thời thì chúng ta chỉ có thể nhận thất bại thảm hại và bế tắc.
Tới đây chúng ta có thể hỏi: nếu đã làm được những điều to lớn, đạt được những giá trị lợi ích to lớn, mà chúng ta vẫn không được hưởng hạnh phúc thì đạt được những cái này còn có ý nghĩa gì? Câu trả lời ở đây là: chúng ta vẫn được hưởng hạnh phúc, nhưng không thể hưởng hạnh phúc nhất thời, mà là hưởng hạnh phúc trọn vẹn, bền lâu. Hạnh phúc trọn vẹn bền lâu này cho phép chúng ta hưởng thụ một cách toàn tâm toàn ý mà không gây ra bất cứ tác hại nào cho bản thân chúng ta. Hạnh phúc bền lâu này sẽ được viết trong các bài viết khác.
Càng đau khổ nhiều.....
Khi có được hạnh phúc nhất thời, tức là các cảm xúc tích cực như sung sướng, thích thú, đam mê, tự hào, hãnh diện... thì chúng ta không còn dám nhìn thấy sự thật của các sự việc một cách chính xác nữa. Vì sao vậy? Vì chúng ta sợ nếu như sự thật của các sự việc thực tế xảy ra không đúng như những gì mình đang cho là, tức chúng ta có thể sẽ phải nhìn thấy kết quả thực tế của sự việc xấu hơn những gì mình đang muốn nó xảy ra thì các cảm xúc tích cực mà mình vừa nhận được, hoặc đang mong chờ sẽ nhận được sẽ bị tan biến mất, khiến chúng ta bị tiếc nuối, thất vọng, tức giận, sợ hãi và đau khổ. Nên chúng ta sẽ cố gắng từ chối nhìn thấy sự thật thực tế để cố biện hộ, giải thích tưởng tượng ra những điều không có thật để khóa lấp, đánh lừa chính bản thân mình để duy trì các cảm xúc tích cực. Sở dĩ chúng ta có thể tự đánh lừa bản thân mình là vì phần lớn tâm trí của chúng ta không trực tiếp nhìn thấy được sự thật của các sự việc thực tế thế mà chỉ có thể được báo lại từ 6 giác quan: tai, mắt, mũi, lưỡi, cảm giác trên thân, và sự đánh giá của tâm trí.
Tuy nhiên dù cho hầu hết các phần tâm trí của chúng ta không nhận biết được trực tiếp sự thật của các sự việc thực tế, nhưng tất cả nó vẫn có thể tự đánh giá để biết được là chính bản thân chúng ta có đang tự lừa dối mình hay không. Do đó, qua một vài lần bị tự lừa dối ban đầu chúng ta có thể bị mắc bẫy, nhưng sau vài lần bị lừa dối thì tâm trí của chúng ta cũng sẽ nhận ra là chính mình đang bị lừa dối. Khi đó thì hầu hết tâm trí của chúng ta sẽ không còn tin vào chính bản thân mình nữa, khiến bản thân chúng ta trở thành một mớ hỗn độn, không làm được gì ra trò, chỉ có thể đau khổ và thất bại.
Còn chúng ta lừa dối những người khác như thế nào? Đó là chúng ta xấu che tốt khoe. Những gì xấu thì chúng ta cố che giấu nó đi, hoặc nói xạo, biện hộ, giải thích trước những người khác để mình còn được hãnh diện tự hào, hay để được bằng chị bằng em, còn những gì tốt thì chúng ta sẽ khoe ra, và không chỉ khoe ra mà chúng ta còn nhấn mạnh, phóng đại nó lên nữa để có được các cảm xúc tích cực. Chúng ta thường nhấn mạnh, phóng đại nó lên hơn gấp rưỡi, gấp đôi, hoặc gấp nhiều lần để có được sự ca tụng, tán dương của người khác để chúng ta được sung sướng hãnh diện. Sự lừa dối người khác này khiến chúng ta rất mệt mỏi, nặng nề và đau khổ vì chúng ta phải luôn gò ép chính mình, phải sống không đúng với chính bản thân mình.
Phạm Nguyễn Anh Kiệt
~Sự Kỳ Diệu~
Gửi bình luận của bạn