Hạnh phúc trọn vẹn, bền lâu thì rất ít người có thể nhận biết, nên càng hiếm người có thể thực hành và đạt được vì chúng ta luôn cho rằng hưởng thụ cảm xúc mới là hạnh phúc.
Ngày đăng: 22-12-2020
613 lượt xem
Chúng ta đã biết, cảm xúc (cả tích cực lẫn tiêu cực) và sự sáng suốt, trí tuệ là không thể song hành cùng phát triển với nhau, cho nên khi chúng ta muốn hưởng hạnh phúc nhất thời, tức hưởng thụ tình cảm, cảm xúc tích cực, thì chúng ta phải liên tục tự cân bằng để kiểm soát các giá trị đánh đổi lẫn nhau giữa 2 lĩnh vực này. Còn với hạnh phúc trọn vẹn, bền lâu, chúng ta sẽ không cần phải tự cân bằng vì không hề phải đánh đổi bất cứ gì. Trí tuệ, sự sáng suốt và hạnh phúc trọn vẹn, bền lâu là luôn đồng hành, hỗ trợ nhau nâng tầm và phát triển.
Người hưởng hạnh phúc nhất thời thì thường xuyên trôi lăn trong đau đớn, buồn chán, đau khổ trong cuộc sống của mình. Còn người hưởng thụ hạnh phúc trọn vẹn, bền lâu thì không hề phải chịu sự đau đớn, buồn chán hay đau khổ gì. Tuy nhiên, ở đây có chút sự tranh cãi là về sự đau đớn: đó là dù cho sự đau đớn là trên tâm trí hay trên cơ thể, thì cũng vẫn được gọi là đau đớn. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận biết: dù cho đang có sự đau đớn nặng nề trên thân (cơ thể), nhưng tâm (tâm trí) chúng ta không cảm thấy tổn thương vì sự đau đớn trên cơ thể đó, thì các đau đớn trên thân đó cũng trở nên rất nhẹ, dù cơ thể chúng ta vẫn đang bị tổn thương nghiêm trọng. Còn tâm trí mà đau đớn thì trên cơ thể chắc chắn là phải đang chịu sự đau đớn nặng nề tương ứng, vì lúc đó, các cảm xúc tiêu cực (trong tâm trí) đang giằng xé, giày vò các cơ, gân, xương, các bộ phận, cơ quan trong cơ thể chúng ta khiến chúng ta rất đau.
Với hạnh phúc nhất thời, nếu chúng ta phải chịu đựng thường xuyên các cảm xúc tiêu cực (như sợ hãi, bất an, cô đơn, tức giận, lo lắng,...) do hạnh phúc nhất thời tạo ra thì cơ thể chúng ta sẽ thường xuyên bị đau đớn. Nếu sự đau đớn diễn ra thường xuyên thì bệnh tật sẽ phát sinh trên cơ thể chúng ta, rồi tiếp sau nữa, nếu phải thường xuyên chịu đựng ở mức độ cao thì bệnh tật của chúng ta sẽ nặng lên tới mức ung thư, đột quỵ, và có thể chết bất đắc kỳ tử. Trong khi đó, hạnh phúc trọn vẹn bền lâu không bao giờ gây ra cho chúng ta những đau đớn như vậy, nên nó không bao giờ là nguyên nhân gây ra bệnh tật cho cơ thể.
Với hạnh phúc nhất thời, nếu chúng ta say mê, mê đắm hưởng thụ sự sung sướng, đam mê, thích thú, các cảm xúc tích cực của hạnh phúc nhất thời, thì khi trái gió trở trời, khi các sự việc, sự vật là nguồn đem lại hạnh phúc nhất thời cho chúng ta bị mất đi thì chúng ta sẽ trở nên rất buồn đau. Nếu sự buồn đau này lớn và kéo dài thì chúng ta sẽ bị bệnh thần kinh, bệnh tâm lý, bệnh tinh thần như bị điên, tăng động, hoặc trầm cảm, đau đớn tới mức muốn chết đi, và thực tế đã có rất nhiều người do đau buồn, trầm cảm nặng mà đã tự tử. Còn với hạnh phúc trọn vẹn, bền lâu, chúng ta sẽ không bao giờ phải chịu các sự đau đớn trong tâm trí, nên tinh thần, thần kinh, tâm lý luôn luôn ở trong tình trạng khỏe mạnh.
Hạnh phúc trọn vẹn, bền lâu là không có sự hưởng thụ riêng biệt phân định rõ ràng giữa hưởng thụ và làm việc như đối với hạnh phúc nhất thời. Đối với hạnh phúc nhất thời thì thời gian hưởng thụ và thời gian làm việc là 2 khoảng thời gian khác nhau, ngay cả khi chúng ta đang tự cho là chúng ta đang hưởng thụ sự làm việc, thì những khoảnh khắc hưởng thụ cảm xúc và những khoảnh khắc làm việc vẫn khác nhau, vì những khoảnh khắc hưởng thụ hạnh phúc nhất thời là những lúc hưởng thụ cảm xúc, còn những khoảnh khắc làm việc là những lúc lý trí chi phối để nhận biết rõ tình hình và nguồn lực thực tế, cần sự sáng suốt để nhận định và quyết định, những lúc này không được để cảm xúc chi phối. Trong khi đó, đối với hạnh phúc trọn vẹn, bền lâu thì cả khi làm việc hay khi hưởng hạnh phúc đều có thể chung cùng nhau: cả hai đều dựa trên lý trí, sự sáng suốt, luôn tỉnh táo, bình tâm. Ở thời điểm mất đi sự tỉnh táo, bình tâm thì sự sáng suốt cũng mất, hạnh phúc trọn vẹn, bền lâu cũng mất, và hậu quả công việc phải chịu sự thiệt hại.
Hạnh phúc trọn vẹn, bền lâu có thể hưởng được mọi lúc, mọi nơi, không phân biệt là chúng ta đang làm gì hay đang nghỉ ngơi, đang bận rộn hay đang rảnh rỗi. Tất cả đều vẫn luôn thực hiện, thực hành việc quan sát và bình tâm.
Ở mỗi thời điểm, mỗi người chúng ta chỉ có thể ở 1 trong 3 trạng thái:
- Đang đau khổ: đang bị đau đớn, khổ sở vì bị các cảm xúc tiêu cực giày vò, giằng xé. Do đó chúng ta cũng đang chống lại hoặc chạy trốn cố thoát khỏi các sự đau đớn, đau khổ này. Hoặc là chúng ta đang hoàn toàn mất khả năng chống cự hay chạy trốn vì phải chịu sự đau đớn quá lớn, hoặc sự đau đớn kéo dài, lặp đi lặp lại tới mức khiến chúng ta hoàn toàn bất lực, hoàn toàn căng cứng không thể động đậy, hay hoàn toàn mềm nhũn ra không có chút sức lực nào để có thể chống cự hoặc chạy trốn.
- Đang hưởng hạnh phúc nhất thời: đang hưởng các cảm xúc tích cực. Lúc này, do các cảm xúc tích cực thúc đẩy, và cũng vì sự ham muốn của bản thân chúng ta, chúng ta bắt đầu tưởng tượng, ảo tưởng ra cái này, cái kia tốt đẹp, hoàn hảo để giúp sự hưởng thụ được thăng hoa. Bên cạnh đó, chúng ta cũng bắt đầu chơi cái này, cái kia (bao gồm cả chơi đùa trong khi đang làm việc) để tiếp tục thúc đẩy hưởng thụ thêm các cảm xúc tích cực. Kết quả là, vì chơi nhiều nên gây ra tốn kém, thiệt hại nhiều tiền bạc, sức lực và thời gian, còn sự thường xuyên tưởng tượng, ảo tưởng khiến chúng ta xa dần, không còn thấy rõ được sự thật thực tế của các sự việc, sự vật, nên việc đánh giá và ra quyết định thường bị sai lầm. Lúc này, nếu không biết dừng sự ảo tưởng lại thì sẽ phải chịu nhiều sự thất bại, mất mát dẫn tới đau khổ.
- Đang hưởng hạnh phúc trọn vẹn, bền lâu: không hưởng thụ các cảm xúc tích cực, mà ở trong tình trạng tỉnh táo, nhận thức rõ tâm trí và bản thân mình đang như thế nào, cơ thể mình đang ở đâu, có những gì đang tác động tới chúng ta, cảm xúc lúc này là cảm xúc trung tính (không tích cực, cũng không tiêu cực). Đồng thời, chúng ta cũng không bị chi phối, thúc ép hay bị ngăn chặn bởi bất cứ cảm xúc tích cực hay tiêu cực nào trong suy nghĩ cũng như hành động.
Như vậy, chúng ta thấy, để đạt được, hưởng được hạnh phúc trọn vẹn, bền lâu thì điều tiên quyết là loại bỏ hết tất cả các cảm xúc, cả tích cực lẫn tiêu cực.
Tuy nhiên, để có thể loại bỏ được các cảm xúc (tích cực và tiêu cực) đi thì phải có trí tuệ hỗ trợ: trí tuệ tới đâu thì cảm xúc được loại bỏ ở mức độ tương ứng tới đó.
Bên cạnh đó, khi các cảm xúc tích cực và tiêu cực bị loại bỏ thì lại giúp nâng tầm trí tuệ, rồi từ trí tuệ được nâng tầm, chúng ta lại có thể loại bỏ được tiếp các cảm xúc ở các mức độ cao hơn, sâu hơn.
Và cuối cùng, để loại bỏ cảm xúc, chúng ta cần thêm công cụ hỗ trợ như phương pháp EFT (Emotional Freedom Techniques), hoặc Thiền Vipassana của Đức Phật Gotama (Thích Ca Mâu Ni). Còn để nâng tầm trí tuệ, chúng ta cần thêm nhiều kiến thức để hỗ trợ, nên cần phải học hỏi thêm về tâm lý, tâm linh, như các sách dạy về học làm người, các sách tương tự như cuốn Hành trình về phương đông..., và sau cùng không thể thiếu lời dạy (Pháp) của Đức Phật Gotama trong bộ Nikaya để hiểu rõ, hiểu sâu hơn về tâm trí của con người.
Phạm Nguyễn Anh Kiệt
~Sự Kỳ Diệu~
Gửi bình luận của bạn