Loại bỏ cảm xúc - Nâng tầm trí tuệ (phần 1)

Trong tâm trí chúng ta có 2 phần chính: suy nghĩ và cảm xúc. Trong đó suy nghĩ là phần tỉnh táo, sáng suốt, ý thức, còn cảm xúc là phần cảm tính, mù quáng.

Ngày đăng: 11-03-2021

1,146 lượt xem

Cảm xúc tác động tới chúng ta như thế nào?

Các cảm xúc tích cực (sung sướng, ấm áp, êm đềm, bình an, tự hào, phấn khích…) và các cảm xúc tiêu cực (lo lắng, bất an, buồn chán, tức giận, tự ti, khó chịu…) sẽ đưa chúng ta trôi vào các ảo tưởng với các hình ảnh này hình ảnh kia, âm thanh này âm thanh kia, không gian này không gian kia, mùi vị này mùi vị kia, cảm thấy cảm giác này cảm giác kia 1 cách loạn xạ không thứ tự lớp lang. Chúng ta mới thấy tâm trí mình đang ở đây thì thoáng cái đã thấy mình đang ở đâu đó khác rồi, và thoáng cái nữa thì lại thấy chúng ta đang ở chỗ khác nữa với các câu chuyện tình huống ảo tưởng hoàn toàn khác nhau. Nếu chú ý thì sẽ thấy trong suốt quá trình này, chúng ta đang liên tục giải thích, tranh cãi, cãi nhau, tán tụng nhau với một hoặc vài người nào đó được chúng ta tưởng tượng ra trong ảo tưởng bên trong tâm trí chúng ta. Chúng ta có thể nói chuyện thầm ở trong đầu, hoặc khi cảm xúc chúng ta mạnh, hoặc câu chuyện của chúng ta lên các mức độ cao trào thì chúng ta sẽ giải thích, tranh cãi, cãi nhau, tán tụng nhau thành tiếng nói nhỏ hoặc tiếng nói lớn phát ra từ chính cái miệng của mình. Hãy chú ý kỹ: không chỉ có người điên mới tự nói chuyện, cãi nhau, tâng bốc nhau với chính bản thân mình thành tiếng, mà chúng ta cũng thường xuyên tự nói chuyện, cãi nhau kịch liệt, tâng bốc nhau với chính bản thân mình thành tiếng như vậy.

Tại sao chúng ta lại thường xuyên tự mình giải thích, tranh cãi, cãi nhau, tán tụng nhau với chính mình trong ảo tưởng như vậy? Vì các cảm xúc tích cực làm cho chúng ta cảm thấy thích thú, sung sướng nên muốn có nó thêm, muốn duy trì các cảm giác đó, đồng thời chúng ta cũng sợ bị mất đi các cảm xúc này nên chúng ta cố nói chuyện, cố giải thích, cố tranh cãi, cãi nhau, cố tán dương nhau để có thêm nó, để duy trì nó, để đừng bị mất nó. Bên cạnh đó, các cảm xúc tiêu cực lại khiến cho cả tâm trí và cơ thể của chúng ta cùng bị khó chịu, đau, hoặc rất đau. Các cảm xúc tiêu cực này khiến các cơ, gân, các bộ phận cơ thể của chúng ta bị tự co bóp, giằng xé, tự tiết ra các hóa chất độc hại từ nhẹ tới mạnh khiến chúng ta bị các bệnh về não, tim, phổi, gan, bao tử, thận… và với sự co bóp, giằng xé, tiết ra các chất độc hại mạnh liên tục trong thời gian dài sẽ khiến chúng ta bị ung thư hoặc bị điên nên chúng ta luôn tìm mọi cách, bằng mọi hành động có thể để trốn tránh nó, để chống lại nó, để cầu xin nó tha cho nên chúng ta liên tục giải thích, liên tục tranh cãi, cãi nhau, tán dương nhau với các hình ảnh tưởng tượng bên trong ảo tưởng của tâm trí mình.

Với sự liên tục ở trong các ảo tưởng của các cảm xúc, liên tục nói chuyện, giải thích, tán dương, cãi nhau với các hình ảnh tưởng tượng trong ảo tưởng khiến chúng ta thường xuyên không nhận ra được mình đang đứng ở đâu trong thực tế hiện tại này, không nhận ra chúng ta đang cần giải quyết vấn đề gì, vì mục đích gì, giá trị của mục đích đó là gì, cho nên chúng ta cũng không nhận ra được những gì là lợi ích, những gì sẽ đem lại các lợi ích, cũng không nhận ra được những gì là thiệt hại, những gì sẽ đem lại các thiệt hại cho chúng ta trong thực tế hiện tại, nên thường xuyên tư duy và hành động mù quáng.

loại bỏ cảm xúc - nâng tầm trí tuệ

 

Nếu cảm xúc nắm quyền chủ đạo chi phối ngay từ giai đoạn suy nghĩ (khi chưa tới thời điểm hành động):

Chúng ta sẽ thường xuyên không dám suy nghĩ hoặc không thể suy nghĩ về các vấn đề đem lại lợi ích hay thiệt hại, không thể suy nghĩ nên làm gì để đạt được lợi ích hoặc tránh các thiệt hại thực tế đối với cuộc sống của mình. Chúng ta thường xuyên trốn tránh khi phải suy nghĩ cho bản thân mình.

Chúng ta thường xuyên không dám hoặc không thể tính toán chiến lược cho cuộc đời mình, cho sự nghiệp của mình, cho hạnh phúc của bản thân mình, cho các giá trị lợi ích mà chúng ta mong muốn vì chúng ta sợ rất nhiều thứ: sợ sự khó chịu, đau đớn do các cảm xúc tiêu cực gây ra, sợ mất đi sự dễ chịu, thích thú do các cảm xúc tích cực đem lại.

Chúng ta cũng thường xuyên không dám đặt mục tiêu lợi ích thực tế cụ thể mà chúng ta thực sự mong muốn vì chúng ta sợ nhiều thứ: sợ đau đớn vì mất mặt, sợ đau đớn vì thất vọng, sợ đau đớn vì các cảm xúc tiêu cực, sợ mất đi sự thích thú, dễ chịu của các cảm xúc tích cực mà chúng ta cho rằng mình đang có.

Chúng ta thường xuyên không dám hoặc không thể tính toán kế hoạch để có hướng hành động cụ thể để đạt được các mục tiêu mong muốn cho cuộc sống của mình.

Do bị các cảm xúc tích cực và tiêu cực chi phối ở giai đoạn suy nghĩ, nên các tính toán, lên kế hoạch và hoạch định chiến lược của chúng ta thường xuyên gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều chi phí, mất rất nhiều thời gian, hoặc thường xuyên thất bại, mất mát. Vì vậy, chúng ta có khuynh hướng là tạo ra các thói quen suy nghĩ theo hướng này hoặc hướng kia để hạn chế bớt sự tính toán, hạn chế bớt sự phải lên kế hoạch hoặc chiến lược, để bớt đau đầu. Tuy nhiên, vì mỗi trường hợp là khác nhau, không thể có 2 trường hợp giống nhau hoàn toàn, nên khi sử dụng thói quen thì luôn luôn gặp hạn chế về lợi ích nhận được. Trong khi đó, vẫn có tồn tại 1 phần ý thức sáng suốt của chúng ta nhìn thấy sự hạn chế này của các thói quen nên đã phản kháng lại, vì vậy, chúng ta thường xuyên bị tự xung đột, mâu thuẫn lẫn nhau giữa các phần tâm trí. Cho nên, dù mục đích của thói quen là để hạn chế bớt sự bất lợi tác động bởi các cảm xúc, nhưng chính các thói quen cũng lại tạo ra thêm nhiều cảm xúc tích cực và tiêu cực khác tác động ngược trở lại nên chúng ta thường xuyên phải chịu sự mệt mỏi, hỗn loạn trong sự đấu tranh lẫn nhau giữa các cảm xúc.

 

Nếu cảm xúc nắm quyền chủ đạo chi phối ở giai đoạn hành động (sau giai đoạn suy nghĩ):

Chúng ta thường xuyên lừa mình, dối người về các mục đích thực sự của các hành động bị chi phối bởi cảm xúc vì sợ bị chê trách, cười cợt, chỉ trích. Chúng ta sợ các sự chê trách, cười cợt, chỉ trích là vì nó sẽ gây ra các sự khó chịu, bực bội, tức giận, đau đớn cho bản thân mình.

Rất nhiều hành động tốt, đúng đắn chúng ta không dám thực hiện vì sợ các sự đau đớn của các cảm xúc tiêu cực (ví dụ như người sợ nói trước đám đông, sợ bị cười cợt, làm điều tốt thì sợ bị chế nhạo) hay vì sợ mất đi các cảm xúc tích cực (ví dụ khi hành động thì sợ sẽ thất bại, sẽ bị mất đi sự tung hô, nể trọng của người khác dành cho mình trước đó).

Chúng ta thường xuyên thực hiện những hành động không theo 1 kế hoạch cụ thể rõ ràng nào, hoặc thực hiện rất nhiều các hành động bất chợt, không kết nối được với chuỗi các hành động trước đó và sau đó để hướng tới mục tiêu thực tế cụ thể. Lý do của việc này là do các cảm xúc tích cực và tiêu cực tác động khiến tâm trí chúng ta bay lung tung trong ảo tưởng (lúc thì thấy mình như thế này, lúc thì thấy mình như thế khác, lúc thì thấy mình tài giỏi, lúc thì thấy mình ngu dốt) nên không nhìn rõ được diễn tiến thực tế của các sự việc đang diễn ra, nên thường xuyên hành động sai lầm, dẫn tới bị thất bại, mất mát, đau đớn, tổn thương và sợ hãi.

Những khi phải quyết định hành động hoặc không hành động, nếu bị chi phối bởi sự sợ hãi, đau đớn, tổn thương của các cảm xúc tiêu cực, hoặc bị chi phối bởi sự phấn khích, thích thú, dễ chịu của các cảm xúc tích cực, thì chúng ta sẽ lập tức bị trôi vào các ảo tưởng, nên chúng ta trở nên bị hoa mắt, nhìn các sự việc, sự vật đang diễn ra trong thực tế lúc rõ lúc mờ nên thường xuyên thực hiện những hành động không phù hợp với các giá trị lợi ích thực tế. Sau nhiều lần chọn những hành động không phù hợp với giá trị lợi ích thực tế, thì trong nội tại bản thân chúng ta phát sinh ra rất nhiều mâu thuẫn đấu tranh lẫn nhau khiến chúng ta cũng bị đau đầu, khổ sở. Vì vậy, chúng ta có khuynh hướng tạo ra các thói quen hành động theo các hướng cụ thể, và ép buộc mình phải hành động theo các thói quen đó với mong muốn hạn chế bớt thiệt hại. Ngược lại, nếu không bị chi phối bởi các cảm xúc tích cực và tiêu cực, thì không ai tự ép buộc bản thân mình phải hành động theo bất cứ thói quen nào, mà ở mỗi thời điểm, ở mỗi sự việc cụ thể, chúng ta sẽ tự xem xét tình huống rồi ra các quyết định riêng biệt phù hợp để đạt được các giá trị lợi ích ở mức cao nhất.

 

Cảm xúc tích cực và tiêu cực chi phối càng cao thì chúng ta lại càng tạo ra nhiều thói quen: thói quen trong tư tưởng, thói quen trong suy nghĩ, tính toán, thói quen trong hành động. Tập hợp tất cả các thói quen này lại, chúng ta tự gọi, đó là Bản Chất của mình. Và mỗi lần từ “Bản Chất” được sử dụng thì có nghĩa là chúng ta đang tự giải thích cho 1 sự vô lý, ngu ngốc, hoặc tự ti của chính mình. Tác nhân bảo vệ cho cái gọi là Bản Chất này chính là Cái Tôi (Ego) cố chấp của chúng ta. Với những người luôn quan tâm, biết rõ bản thân mình như thế nào, cái gì là tốt cho bản thân mình, luôn tư duy rõ ràng về mọi thứ liên quan mỗi khi có sự việc xảy ra (hoặc không xảy ra) rồi mới quyết định chọn lựa hành động cụ thể thì sẽ không tạo ra thói quen, nên không bị lệ thuộc vào thói quen. Những người này nếu thấy cái gì sai thì sửa mà không cố chấp, nên họ không bao giờ họ sử dụng từ “Thói Quen của tôi” hay “Bản Chất của tôi”.

loại bỏ cảm xúc - nâng tầm trí tuệ

 

Bên cạnh các cảm xúc tích cực và tiêu cực, chúng ta còn 1 loại cảm xúc quan trọng khác là Cảm Xúc Trung Tính. Trong khi Cảm xúc tích cực là nguồn gốc tạo ra cảm xúc tiêu cực, và ngược lại, thì cảm xúc trung tính là cảm xúc không tích cực cũng không tiêu cực, nên cũng không tự tạo ra bất kỳ cảm xúc tích cực hay tiêu cực nào. Cảm xúc trung tính cũng không gây đau đớn hay phấn khích thích thú gì cho chúng ta, nên không thúc ép, ép buộc, hay ngăn chặn chúng ta làm gì hay không làm gì. Ở cảm xúc này, ý thức, tư duy, hành động của chúng ta mới có thể đạt tới mức sáng suốt cao nhất, trí tuệ của chúng ta mới có thể đạt được tới mức cao nhất.

 

Như thế nào là Loại bỏ cảm xúc?

Loại bỏ các cảm xúc tích cực và tiêu cực có nghĩa là các cảm xúc này sẽ bị chuyển hóa về cảm xúc trung tính. Như trên đã nói, ở cảm xúc trung tính thì các suy nghĩ, tư duy, hành động của chúng ta sẽ trở nên sáng suốt, trí tuệ có thể phát triển tới mức cao nhất.

 

Như thế nào là Nâng tầm trí tuệ?

Xem trong bài viết “Loại bỏ cảm xúc - Nâng tầm trí tuệ (phần 2)” ở đây

 


Phạm Nguyễn Anh Kiệt
~Sự Kỳ Diệu~

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha