Làm sao để thay đổi bản chất (bản tính) con người?

Người có trí tuệ càng cao thì càng có ít thói quen, càng có ít cái Tôi (Ego) cho nên càng có ít cái gọi là bản chất (bản tính).

Ngày đăng: 22-03-2021

8,192 lượt xem

 

Bản chất (bản tính) con người là gì?

Để có thể thay đổi được bản chất (bản tính) con người thì chúng ta cần phải biết rõ nó thông qua bài viết “Hiểu về bản chất (bản tính) con người” tại đây.

Làm sao để thay đổi được bản chất (bản tính) con người

 

Tại sao lại khó thay đổi được bản chất (bản tính) của con người?

Bản chất con người mà không thay đổi được chỉ có 1 lý do: đó là sự cố chấp, bám víu. Sự cố chấp là do chúng ta chủ động hoặc do thụ động. Sự cố chấp chủ động là do sự sợ hãi sự mất mát mà chúng ta tự cho là quá lớn, quá sức chịu đựng (như sự mất mặt, sự khó chịu, sự đau đớn hoặc bị mất cái thích thú đang có) trong cảm xúc nên không dám thay đổi, hoặc quyết không thay đổi. Sự cố chấp thụ động là do sự đau đớn, sự sợ hãi đó quá lớn và tồn tại trong thời gian dài tới mức mỗi khi nhìn thấy nó, nghe thấy nó, cảm nhận thấy nó thì chúng ta bị cứng đơ, tê liệt hoàn toàn (lúc này chúng ta không thấy đau vì quá đau), không thể suy nghĩ về nó, hoàn toàn trống rỗng, không thể nhấc tay nhấc chân lên để làm bất cứ gì có liên quan tới nó.

Ngày nay con người chúng ta sống trong môi trường có sự chuyên môn hóa cao nên đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao, bắt buộc phải hạn chế các cảm tính, cảm xúc trong công việc, trong các mối quan hệ xã hội trong công việc như đồng nghiệp, khách hàng, đối tác, nhà cung cấp, cho nên chúng ta gần như đồng thời sống cùng lúc rất nhiều cuộc đời: cuộc đời trong công việc, cuộc đời trong quan hệ đối tác, khách hàng, đồng nghiệp, cuộc đời trong gia đình, cuộc đời trong vui chơi bạn bè. Vì vậy, trong khi cảm xúc tích cực và tiêu cực của chúng ta có rất nhiều, nếu không tự giới hạn, đóng khung mình lại ở mỗi cuộc đời cho mỗi môi trường, mỗi mối quan hệ thích hợp thì chúng ta sẽ thất bại, tổn thất và tổn thương rất nhiều. Đây là 1 trong 2 lý do chính cho sự hình thành các thói quen, sự hình thành cái Tôi (Ego), từ đó đã hình thành nên bản chất (bản tính) con người của chúng ta. Lý do chính còn lại là do sự phòng thủ tự vệ quá mức của mình, đó là vì chúng ta đã từng phải chịu đựng sự đau khổ nặng nề do bị hành hạ, ngược đãi, lạm dụng, hoặc bị tổn thương lớn do đã từng bị coi thường, khinh rẻ của những người khác, và tâm trí chúng ta tới nay vẫn chưa thể thoát khỏi sự ám ảnh.

Thói quen càng nhiều, cái Tôi (Ego) càng lớn, bản chất (bản tính) càng mạnh thì chúng ta khi tư duy, hành động và phản ứng càng quyết liệt, mạnh mẽ nên sẽ gây ra thiệt hại với tính sát thương cho chính bản thân mình thông qua bệnh tật trong cơ thể và trong tâm trí, đồng thời gây sát thương cho người khác càng cao.

 

Muốn thay đổi hoặc loại bỏ, diệt trừ bản chất (bản tính) thì phải hiểu rõ nó:

Để thay đổi hoặc loại bỏ, diệt trừ được bản chất (bản tính) con người thì chúng ta phải hiểu rõ được bản chất của thói quen, bản chất của cái Tôi (Ego). Sau khi hiểu rõ thì chúng ta sẽ có phương án để thay đổi (để được tốt hơn) hoặc diệt trừ nó (để được tốt nhất), tùy theo tình hình năng lực nội tại của bản thân chúng ta, và thời điểm phù hợp.

Thói quen có các đặc tính gì?

Thói quen được nắm giữ và giữ gìn bởi các cảm xúc: Do tại thời điểm thói quen hoạt động để làm một việc nào đó, thì tâm trí chúng ta không tập trung cảm nhận cơ thể mình, không cảm nhận tâm trí mình và các sự việc, sự vật liên quan, mà bay đi chỗ khác do đang muốn làm việc khác, nên làm phát sinh các cảm xúc tích cực và tiêu cực (như vậy thì tâm trí mình mới bay đi được). Đồng thời, để thói quen của chúng ta có thể làm việc, tức ý thức của chúng ta không điều khiển và giám sát suy nghĩ và hành động của mình liên quan tới sự việc đó, nên các cảm xúc tích cực và tiêu cực đứng ra điều khiển và giám sát thay. Mà cảm xúc thì không thể tự nó quan sát, cảm nhận được, không thể suy tính thiệt hơn các giá trị lợi ích được, cảm xúc thì mù quáng nên chỉ có thể phản ứng để thỏa mãn chính nó thôi, nên chúng ta mặc dù có được chút lợi ích ở hiện tại sự việc đó, nhưng sẽ bị thiệt hại, mất mát lợi ích lớn, hoặc bị giới hạn sự phát triển về sau, hoặc bị tổn thương, đau bệnh trong cơ thể cũng như trong tâm trí. Bên cạnh đó, cảm xúc có tính đeo bám và cưỡng ép rất cao, nên càng theo đuổi thói quen, chúng ta càng bị lệ thuộc và bị cảm xúc chi phối.

Khi thói quen được hình thành một cách tự nhiên: đó là do tâm trí chúng ta không tập trung cảm nhận bản thân mình đủ nhiều khi suy nghĩ và hành động, nên ý thức của chúng ta không quan sát được các sự việc thực tế đang diễn ra, nên không thể có được suy nghĩ rõ ràng, theo đúng diễn biến thực tế để có thể ra các quyết định tốt, đúng đắn cho hành động, nên chúng ta trở nên làm theo bản năng, tức làm theo cảm xúc, nên chúng ta bị cảm xúc chi phối.
Khi thói quen được hình thành bởi chủ đích của chúng ta: đó là do chúng ta hiểu sai về thói quen. Chúng ta nghĩ thiết lập thói quen để từ đó thói quen sẽ làm việc một cách tự động thay cho mình, để mình tập trung vào các việc khác. Đây là sự hiểu biết sai như trên đã nói.

Cái Tôi (Ego) có các đặc tính gì?

Cái Tôi (Ego) là hình ảnh và các đặc tính cá nhân mà chúng ta tự tưởng tượng ra cho bản thân mình rồi cố thể hiện và bảo vệ để cho mọi người và chính bản thân chúng ta công nhận chúng ta là người như vậy. Ví dụ chúng ta muốn thể hiện là 1 người có học thức cao, có chức quyền cao, có nhiều tiền, sang trọng, hay muốn thể hiện chúng ta là người đẹp, lịch lãm, nhã nhặn, hài hước, biết trước biết sau, hay chúng ta là người mạnh mẽ, thông minh, giỏi giang, thành đạt…, và chúng ta cố sức bảo vệ các hình tượng này. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận biết là những gì mà chúng ta cố thể hiện thì tất cả đó đều không phải là sự thật của con người mình, không phải là bản thân thật của chúng ta. Những hình ảnh và đặc tính cá nhân được tưởng tượng và cố thể hiện đó chính là cái Tôi (Ego) của chúng ta.

Tại sao cái Tôi (Ego) lại được hình thành? Nếu chúng ta cảm nhận được bản thân mình, cảm nhận được cơ thể và tâm trí mình thì sẽ chúng ta nhận biết rất rõ chúng ta là như thế nào, và chúng ta dễ dàng chấp nhận bản thân chúng ta là như vậy mà không cần ai phải công nhận hay chứng nhận cho chúng ta. Vì khi cảm nhận được cơ thể và tâm trí mình thì chúng ta không hề cảm thấy cô đơn nên không cần thêm ai đó khác yêu thương chúng ta, không hề cảm thấy lạnh lẽo nên không hề cần được ai đó sưởi ấm tâm hồn. Nên chúng ta sẽ chấp nhận đúng bản thân mình, dù có thể hiện với ai hay không thể hiện với bất kỳ ai thì chúng ta cũng đều như vậy. Cho nên, khi chúng ta không cảm nhận được bản thân mình, không cảm nhận được cơ thể và tâm trí mình thì chúng ta cảm thấy cô đơn, thiếu thốn tình cảm, cần bám víu vào ai đó để được yêu thương, che chở, để được quan tâm, chú ý. Đây là lý do chúng ta tự tưởng tượng ra rồi cố ra sức thể hiện và bảo vệ cái Tôi (Ego) của mình.

Các sự cô đơn, cảm thấy lạnh lẽo, thiếu thốn tình cảm, cảm thấy ấm áp, cảm thấy được yêu thương, cảm thấy được che chở, cảm thấy được quan tâm đều là các cảm xúc tiêu cực và tích cực. Cho nên, các cảm xúc tích cực và tiêu cực là nguyên nhân, và cũng là đích đến của cái Tôi của chúng ta.

Làm sao để thay đổi được bản chất (bản tính) con người

 

Làm sao để thay đổi được bản chất (bản tính) con người?

Để thay đổi được bản chất (bản tính) thì thay đổi cái Tôi (Ego), và thay đổi thói quen. Để loại bỏ, diệt trừ được bản chất (bản tính) thì loại bỏ, diệt trừ cái Tôi (Ego), và loại bỏ, diệt trừ thói quen.

Thay đổi hay loại bỏ, diệt trừ thói quen là 1 việc rất khó, vì sẽ có sự lo lắng, bất an, sợ hãi lớn, vì khi hình dung lại thì chúng ta thấy mình đang không nắm giữ gì hết, chúng ta thấy mình giống như không biết làm gì hết, các thông tin thì chúng ta cũng không nắm, mà tất cả các cách làm và thông tin đều đã bị các thói quen nắm giữ riêng hết rồi, không chịu chia sẻ cho chúng ta, hoặc chỉ chia sẻ rất ít. Tại sao lại như vậy khi thói quen làm việc thông qua chính cơ thể và tâm trí mình mà? Đó là do mỗi khi các thói quen làm việc thì ý thức của chúng ta bay đi mất để các làm việc khác, nên không thể quan sát rõ được các hành động, thứ tự các hành động mà bản thân mình đã làm, không thể quan sát và nhận biết được các sự vật nào đã có mặt tại hiện trường sự việc, ý thức của chúng ta cũng không quan sát được khi chúng ta tác động tới các sự vật đó thì sẽ có các sự việc gì xảy ra tiếp theo, rồi chúng ta sẽ làm gì tiếp theo nữa, ý thức cũng không nhận biết được là để làm được các sự việc tiếp theo thì chúng ta có cần phải thêm nguồn lực nào khác hay không, rồi nếu khi thất bại hoặc thành công sự việc kế tiếp đó thì chúng ta sẽ làm gì thêm nữa. Cho nên, khi muốn thay đổi hoặc loại bỏ thói quen thì chúng ta thấy cảm thấy trống rỗng, không thể hoạch định kế hoạch gì được, không biết làm gì, nên thấy sợ hãi, bất an, bất lực rất lớn. Cái này cũng giống như 1 người Sếp từ trước tới nay khi cần làm gì thì đều giao hết tất cả cho các người nhân viên thân tín và không theo dõi, giám sát, kiểm chứng và cũng không thu thập báo cáo chi tiết quá trình làm việc của nhân viên đó, mà chỉ quan tâm sau mỗi việc được giao thì đã đạt được lợi ích hay thiệt hại gì. Đồng thời, sau khi hoàn thành mỗi công việc thì người Sếp cũng không tự mình nắm giữ, quản lý các giá trị lợi ích đạt được mà lại giao cho các nhân viên thân tín đó quản lý luôn. Tới một ngày, người Sếp nhận ra các nhân viên này không tuyệt đối trung thành mà có hai lòng, luôn nghĩ tới lợi ích bản thân mình trước trách nhiệm công việc, nên muốn đuổi những nhân viên này đi và tuyển những người khác thay thế (hoặc tự mình sẽ làm các việc này về sau), nhưng bất chợt nhận ra tất cả nguồn lực, kinh nghiệm làm việc, thông tin đều bị những người này nắm giữ, còn mình không nắm được bao nhiêu, nên rất sợ hãi, lo lắng, bất an và tức giận.

Thay đổi hay loại bỏ, diệt trừ cái Tôi (Ego) cũng là 1 việc rất khó vì chúng ta sẽ phải chịu sự sợ hãi, lo lắng, bất an, khó chịu, đau đớn, mất mặt, cô đơn rất lớn do các cảm xúc tiêu cực gây ra. Vì sao vậy? Vì do chúng ta không cảm nhận được cơ thể và tâm trí mình, nên chúng ta không thể nhận biết được bản thân mình. Từ trước tới nay chúng ta chỉ có thể nhận biết các sự vật, sự việc qua 5 giác quan (mắt, mũi, miệng, tai và cảm giác trên cơ thể) nên nếu cái gì không nhìn thấy, không nghe thấy, không ngửi thấy, không nếm được, và không cảm giác được trên cơ thể thì chúng ta không nhận biết được. Để nhận biết được bản thân mình thì trong 5 giác quan này, chỉ có cảm giác trên cơ thể là có thể giúp nhận biết được bản thân mình, nhưng chỉ bao nhiêu đây là quá ít, còn với 4 giác quan còn lại thì chúng ta không thể nhìn thấy trực tiếp toàn bộ bản thân mình, không thể ngửi thấy trực tiếp toàn bộ bản thân mình, không thể nếm trực tiếp toàn bộ bản thân mình, không thể nghe thấy trực tiếp toàn bộ bản thân mình. Cho nên chúng ta chỉ có thể nhìn thấy bản thân mình qua sự đánh giá từ những người khác, hoặc qua sự tự đánh giá bản thân mình thông qua sự phản chiếu trở lại khi nhìn vào người khác thôi. Vì không thể tự nhìn thấy bản thân mình, nên không thể biết được nó đang như thế nào để chăm sóc nó nên chúng ta cảm thấy mình bị bỏ rơi, nên đau khổ, nên mong muốn được người khác quan tâm chăm sóc - vì họ thấy chúng ta, còn chúng ta thì sẽ đi chăm sóc lại họ - vì chúng ta nhìn thấy họ, và họ cũng như chúng ta, cũng không nhìn thấy trực tiếp được chính mình, nên cần chúng ta giúp chăm sóc họ. Do đó, để thuyết phục được người khác tới với mình nên chúng ta đã tưởng tượng, ảo tưởng ra cái Tôi (Ego) (bao gồm hình ảnh và các đặc tính tương tự như một con người) cho bản thân mình, rồi ra sức thể hiện và bảo vệ nó.

Nhưng tình trạng của chúng ta như thế nào, và cần được người khác chăm sóc những gì? Vì không thể nhìn thấy và nhận biết trực tiếp bản thân mình nên tâm trí chúng ta không thể tập trung ở bản thân mình để quan tâm chăm sóc nó mà thường xuyên bay đi đây đi đó. Do không được quan tâm chăm sóc nên chúng ta trở nên cô đơn, lạnh lẽo, bất an, sợ hãi, bị hành hạ bởi các cảm xúc tiêu cực, không nhận ra được mình là ai, cảm thấy mình không được là chính mình, cho nên chúng ta cần ai đó sưởi ấm cho ta, khiến cho ta ấm áp, làm cho chúng ta thấy bình tâm, an tâm, được nuôi dưỡng bởi các cảm xúc tích cực, để được nhận ra mình là ai, được là chính bản thân mình khi ở bên người ấy. Cho nên nếu người ấy bỏ đi thì chúng ta sẽ trở về lại sự đau khổ, đau đớn như cũ.

Cái Tôi, do được tưởng tượng, ảo tưởng ra nên nó không đúng sự thật về con người mình, cho nên chúng ta đang thường xuyên nói xạo, thường xuyên lừa dối chính mình và người khác khi quảng bá và bảo vệ nó. Và để bảo vệ bằng được cho sự lừa dối này, chúng ta trở nên cố chấp và bất chấp thiệt hại, nên bản chất (bản tính) của chúng ta được hình thành.

Con người chúng ta cũng như vạn vật, luôn thay đổi, nên để nhận biết rõ con người mình thì phải cảm nhận nó trực tiếp chứ không thể qua sự phản chiếu của bất kỳ ai, và khi đã nhận biết rõ được bản thân mình thì chúng ta sẽ không còn cần ai đó khác công nhận nữa, không còn cần ai đó quan tâm chăm sóc nữa, vì chính bản thân chúng ta đã có thể tự quan tâm chăm sóc mình. Khi đã cảm nhận được chính bản thân mình thì chúng ta sẽ không còn bị cô đơn, lạnh lẽo, bất an hay sợ hãi nữa, không còn bị các cảm xúc tiêu cực hành hạ nữa, đây mới chính là hạnh phúc đích thực, bền lâu. Lúc này cái Tôi (Ego) của chúng ta bị loại bỏ, diệt trừ và biến mất.

 

Tới đây thì chúng ta thấy, dù là thói quen hay cái Tôi thì cảm xúc vẫn chiếm vai trò chi phối. Cho nên để có thể thay đổi hay loại bỏ được thói quen và cái Tôi để thay đổi, loại bỏ bản chất (bản tính) thì phải loại bỏ được các cảm xúc tiêu cực, để không còn bị hành hạ nữa. Và để loại bỏ được các cảm xúc tiêu cực, thì cũng phải loại bỏ luôn các cảm xúc tích cực, vì “Cảm xúc tích cực là nguồn gốc tạo ra cảm xúc tiêu cực, và ngược lại”. Còn cái thứ hai quan trọng không kém là cảm nhận được trực tiếp bản thân mình.

Để loại bỏ được các cảm xúc tiêu cực và tích cực thì phải có kiến thức về tâm lý, tâm linh để hiểu về con người của bản thân mình, đồng thời phải tính toán phương án cụ thể từng bước để thực hiện chứ không thể đùng một cái là thực hiện và đạt kết quả mỹ mãn ngay được. Nếu chúng ta không thấy phương án thực hiện thì sẽ rất khó để có thể loại bỏ được các cảm xúc để thay đổi hoặc loại bỏ thói quen, cũng như để loại bỏ, diệt trừ cái Tôi.

 

Điều cuối cùng: Hầu hết tất cả mọi người chúng ta ở trên trái đất ngày hôm nay đều còn rất nhiều cảm xúc tích cực và tiêu cực, cho nên chúng ta chắc chắn vẫn còn nhiều thói quen, và cái Tôi (Ego) vẫn còn mạnh. Chúng ta chỉ hết thói quen và hết cái Tôi khi đạt tới Thanh Tịnh, Chánh Trí, tức mức cao nhất của trí tuệ.

 


Phạm Nguyễn Anh Kiệt
~Sự Kỳ Diệu~

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha