Cảm xúc tích cực có phải là hạnh phúc của chúng ta? Hay nó là nguồn gốc đem lại đau khổ và thiệt hại của chúng ta?
Ngày đăng: 03-12-2019
806 lượt xem
Hầu hết tất cả mọi người trên thế giới hiện tại đều coi các cảm xúc tích cực (sung sướng, thích thú, hãnh diện, tự hào…) chính là hạnh phúc đích thực của con người chúng ta, và cố hết sức để theo đuổi nó. Nhưng lại không biết rằng: các cảm xúc tích cực là nguồn gốc tạo ra các cảm xúc tiêu cực (sợ hãi, cô đơn, tự ti, tuyệt vọng, bất an…), chính là sự tổn thương, đau đớn và đau khổ của loài người chúng ta. Các cảm xúc tích cực càng cao thì các cảm xúc tiêu cực, các sự đau đớn, đau khổ nhận lại càng lớn theo tỉ lệ thuận với nhau. Và tiếp theo, các cảm xúc tiêu cực, các sự đau đớn, đau khổ lại tạo ra tiếp các cảm xúc tích cực (sung sướng, phấn khích, ấm áp, tự hào, an tâm…). Cho tới khi nào chúng ta còn tiếp tục bám víu vào các cảm xúc tích cực, còn ngu ngốc coi nó là hạnh phúc của cuộc đời mình, thì tới chừng đó chúng ta vẫn còn đầy đau đớn, tổn thương và đau khổ không có lối thoát.
Cảm xúc tích cực càng cao, tác hại nhận lại càng lớn
Những gì được nói trên đây là thực tế, nên chúng ta có thể tự kiểm chứng ở chính bản thân mình. Tôi gợi ý 1 số cặp cảm xúc tích cực và tiêu cực làm sản sinh lẫn nhau (chỉ ở mức tương đối, vì ở các điều kiện khác nhau, thêm bớt các nhân tố tác động, thì các cảm xúc sẽ liên tục chuyển hoá) để các bạn dễ dàng kiểm tra như: người nào có sự tự hào thì sẽ có sự tự ti, sợ bị mất mặt đi kèm, người nào có sự an tâm thì có sự bất an, lo lắng đi kèm, người nào có sự hãnh diện thì có sự xấu hổ, tức giận đi kèm, người nào muốn yêu nhiều thì có sự cô đơn, trống vắng đi kèm, người nào có sự tủi thân thì có sự ấm áp đi kèm, người nào có sự sung sướng thì có sự đau đớn, khổ sở đi kèm, người nào có sự phấn khích thì sẽ có sự tuyệt vọng, khó chịu đi kèm… Ngược lại, ở những người nào không có cảm xúc tiêu cực loại nào, thì cũng sẽ không có cảm xúc tích cực đối ứng liên quan (ví dụ: người nào không có hãnh diện thì sẽ không bao giờ xấu hổ, ai không bị bất an thì sẽ không cảm thấy sự an tâm), cũng vậy, những ai không có cảm xúc tích cực loại nào thì sẽ không có cảm xúc tiêu cực đối ứng đi kèm.
Các cảm xúc tích cực cùng các cảm xúc tiêu cực chỉ được tạo ra và duy trì khi được gắn với một sự việc, sự vật, hoặc hoàn cảnh cụ thể. Các sự việc, sự vật, hoàn cảnh cụ thể này, dù là xảy ra trong thực tế, hay được sáng tạo ra từ ảo tưởng của tâm trí, thì đều tạo ra các cảm xúc như nhau.
Một vài dẫn chứng cụ thể để chúng ta có thể quan sát rõ hơn diễn biến của các cảm xúc tích cực:
Cảm xúc tích cực càng cao, tác hại nhận lại càng lớn
Cảm xúc tích cực khiến thích thú, đam mê nên tâm trí chúng ta bám víu vào nó rất mạnh, rất chặt, nên cực kỳ khó để có thể thoát ra. Cảm xúc tích cực càng lớn thì khả năng thoát ra để làm việc để đạt được các giá trị lợi ích khác cho cuộc sống của chúng ta càng khó khăn, tốn kém và càng tốn nhiều thời gian.
Cảm xúc tích cực khiến tâm hồn chúng ta bay bổng, trôi lạc vào các ảo tưởng do tâm trí của chúng ta tạo ra, nên hầu như chúng ta rất khó để nhìn thấy được các thực tế diễn biến và bản chất của các sự vật, sự việc, nên thường suy tính và hành động thiếu chính xác, dẫn tới khả năng thất thoát, thất bại và mất mát rất cao.
Cảm xúc tích cực luôn muốn được tăng cao lên, và duy trì càng lâu càng tốt nên thúc ép chúng ta làm nhiều việc vô nghĩa nên gây lãng phí, thất thoát, hoặc làm những việc gây hại cho bản thân mình và người khác để nuôi dưỡng, chiều chuộng các cảm xúc tích cực đó.
Cảm xúc tích cực khiến tâm hồn chúng ta bay bổng nên rất khó tập trung. Mỗi khi cần tập trung thì chúng ta phải liên tục chiến đấu với các cảm xúc tích cực này thì mới có thể tập trung được ở 1 mức độ nhất định (chứ không thể tập trung được hoàn toàn), và do phải liên tục chiến đấu nên chúng ta thường xuyên mệt mỏi. Trong những trường hợp cần sự tập trung ở mức độ cao, thì chúng ta phải chiến đấu với các cảm xúc tích cực 1 cách mãnh liệt không ngừng nghỉ, nên khiến chúng ta rất mệt mỏi, căng thẳng, đau đầu, rã rời chân tay, và có thể tới mức bị bệnh phải đi bệnh viện cấp cứu hoặc có thể đột quỵ.
Cảm xúc tích cực ép chúng ta phải trở nên thấp kém bằng cách khiến chúng ta phải luôn tìm kiếm cái gì đó hoặc ai đó bên ngoài bản thân mình để lệ thuộc vào, bám víu vào. Nếu không lệ thuộc, không bám víu vào cái gì đó hoặc vào ai đó để phải chịu cả các cảm xúc tiêu cực, đau đớn, tổn thương, thì chúng ta không thể có cảm xúc tích cực được.
Do các cảm xúc tích cực không cho chúng ta tập trung, cũng như không cho chúng ta nhìn thấy được diễn biến thực tế của các sự vật, sự việc nên khiến chúng ta thường xuyên hành động ngu ngốc và sai lầm, nên chúng ta thường xuyên bị thất thoát, thất bại, mất mát. Bên cạnh đó, cũng do các cảm xúc tích cực cũng tạo ra các cảm xúc tiêu cực khiến chúng ta bị đau đớn, đau khổ, nên trong cuộc sống, bản thân chúng ta nhiều lần cũng chiến đấu chống lại hoặc trốn chạy khỏi các cảm xúc tích cực.
Phạm Nguyễn Anh Kiệt
~Sự Kỳ Diệu~
Gửi bình luận của bạn